Ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công năm 1945, ngày 11 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp. Trong thư Bác Hồ đã viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc … nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX”; “… HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Trong thư Người còn viết: “HTX nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. HTX nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. HTX nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”. Người tha thiết kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên HTX nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có HTX”.
Sau 19 năm, ghi nhận những đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong công cuộc tái thiết đất nước, ngày 11/4/1964, Bác Hồ gửi thư cho Đại hội HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những HTX điển hình tiên tiến, và yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các HTX nông nghiệp phát triển. Trong thư Bác viết: “Về kinh tế thì miền núi và trung du đã có hơn 70% nông hộ vào HTX nông nghiệp. Đồng bào đã được no ấm hơn, nhà ở nhiều nơi đã làm mới sạch sẽ, gọn gàng hơn… Chúng ta phải làm cho miền núi và trung du thành một nơi giàu có về nông nghiệp để nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân, để thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà. Để thực hiện mục đích đó, căn cứ vào nghị quyết của Đảng và căn cứ vào tình hình của miền núi và trung du. Bác nêu một số ý kiến sau: Ra sức củng cố và phát triển HTX nông nghiệp… chúng ta phải phấn đấu làm cho tất cả HTX đều khá…. HTX nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”. Kể từ đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, thu hút hàng triệu quần chúng nhân dân tham gia.
Với ý nghĩa của ngày 11 tháng 4, ngày đánh dấu 02 sự kiện quan trọng đối với phong trào HTX của Việt Nam, Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 thống nhất trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 11 tháng 4 hàng năm là Ngày HTX Việt Nam (Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011).
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế hợp tác xã, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, mà trọng tâm là hợp tác xã trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, Liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các HTX với nhau, với DN và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển. Khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Đến 31/12/2023, cả nước có 31.364 HTX (20.710 HTX nông nghiệp (66,03%), 2.448 HTX CN-TTCN (7,93%), 2.745 HTX TMDV (8,75%), 1.908 HTX GTVT (6,08%), 918 HTX xây dựng (2,93%), 637 HTX môi trường (2,03%), 1.183 Quỹ tín dụng nhân dân (3,77%), 775 HTX lĩnh vực khác (2,42%). Thành lập mới 2.156 HTX, thu hút 7,05 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 42,723 thành viên so với năm 2022) và 2,58 triệu lao động (tăng 18.566 lao động so với năm 2022), tổng vốn điều lệ đạt 60,069 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,915 tỷ đồng/HTX, tổng giá trị tài sản đạt 194,332 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,196 tỷ đồng/HTX, tăng 2,8% so với năm 2022; có 120.983 tổ hợp tác, các tổ hợp tác thu hút 1,815 triệu thành viên là hộ gia đình (bình quân 15 thành viên/THT), doanh thu bình quân 294,8 triệu đồng/năm/HTX. Trong đó có 76.456 THT nông nghiệp (chiếm 63,2%) và 44.497 THT phi nông nghiệp (chiếm 36.8%); có 133 liên hiệp HTX thu hút 798 thành viên, tạo việc làm cho 42,3 nghìn lao động; doanh thu bình quân của 01 liên hiệp HTX là 258 tỷ đồng/năm; lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm; 43% số liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, phát triển theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá quy mô lớn của địa phương…
Đối với Thừa Thiên Huế, hiện nay có 320 Hợp tác xã, Quỹ Tín dụng nhân dân đang hoạt động. Các HTX hoạt động hiệu quả đã góp phần tích cực vào tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đất nước ngày càng giàu mạnh./.