Đây là cơ hội để các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và OCOP ngày càng tốt hơn, từ đó tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.
Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (gọi tắt là OCOP) giai đoạn 2018-2020, và Quyết định 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, tỉnh đã có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao và 28 sản phẩm đạt 3 sao, có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng.
Điều phấn khởi là tỉnh có 21/40 sản phẩm OCOP với chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, có 9/16 sản phẩm OCOP 4 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao là của hợp tác xã.
Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, OCOP của tỉnh đang sản xuất và đưa ra thị trường như gạo hữu cơ Phong Điền, gạo hữu cơ Thủy Phù, gạo hữu cơ Phú Mỹ; dầu lạc hữu cơ Mỹ Á; rau hữu cơ Vinh Mỹ, rau hữu cơ Phú Thanh, rau má hữu cơ Quảng Thọ; các sản phẩm hữu cơ của Công ty trách nhiệm hữu hạn hữu cơ Huế Việt, Tập đoàn Quế Lâm…
Các mô hình bước đầu đạt những thành công nhất định, là minh chứng cho khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Theo ông Doãn, đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được sản xuất và đưa ra thị trường như gạo hữu cơ, dầu lạc hữu cơ, rau hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ khác của các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác..., qua đó thúc đẩy quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị, gia tăng chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện đời sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Để giúp nông nghiệp hữu cơ tỉnh nhà phát triển và thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, góp phần làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp nói chung và bảo vệ môi trường sinh thái, được sự hỗ trợ của Dự án thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế VIE/433, Liên minh hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ban Quản lý dự án Luxembourg và Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật dự án VIE/433 tổ chức Hội chợ các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022.
Hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm OCOP và một số đặc sản của Thừa Thiên Huế đến với người dân trong và ngoài tỉnh; thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Hội chợ còn là nơi tạo cơ hội gặp gỡ giao thương, giao lưu, trao đổi những tiềm năng, đặc trưng văn hóa vùng miền của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn, tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng.
Qua đó, hội chợ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong việc bảo vệ, phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của Thừa Thiên Huế.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Theo https://nhandan.vn/