So với mặt bằng chung của cả nước, quy mô khu vực KTTT, HTX của Thừa Thiên Huế còn khiêm tốn. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến năng lực sản xuất của nhiều HTX bị suy giảm. Hiện, hơn 90% HTX giảm doanh thu và lợi nhuận; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm 50% tổng số lao động. Doanh thu bình quân mỗi HTX năm 2021 chỉ hơn 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi lao động thường xuyên chỉ 32 triệu đồng/năm…
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh (SXKD), vốn là yếu tố quan trọng, nền tảng thúc đẩy sự phát triển. Dù nhu cầu vốn phát triển SXKD của khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh hiện lên tới khoảng 215 tỷ đồng/năm, nhưng khả năng tự lực vốn của các HTX chỉ dưới 20% số vốn cần thiết cho đầu tư, SXKD dịch vụ… HTX cũng khó tiếp cận vốn các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu do các TCTD có tâm lý e ngại cho vay; thủ tục vay vốn phức tạp, điều kiện cho vay vượt quá khả năng đáp ứng của các HTX; món vay nhỏ, chi phí cho vay lớn; các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) hạn chế về đối tượng vay vốn và địa bàn. Trong khi đó, năng lực quản trị, điều hành của HTX còn hạn chế, ngại thủ tục và chi phí khi vay vốn các TCTD.
Dù đứng trước nhiều trở lực, song giai đoạn 2022 - 2025, dự báo KTTT, HTX của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển. Đến năm 2025, dự kiến toàn tỉnh có khoảng 350 HTX, 175 tổ hợp tác. Gỡ khó để HTX tiếp cận nguồn vốn là vấn đề then chốt hiện nay.
Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển (HTPT) HTX tỉnh đã được phê duyệt thành lập. Đây là tín hiệu vui cho nông dân, nguồn quỹ này được xem như “đòn bẩy” để các HTX hoạt động và phát triển.
Quỹ HTPT HTX không mới, bởi đến hết năm 2020, ngoài Quỹ HTPT HTX Việt Nam, cả nước đã có 50 Quỹ HTPT HTX được các tỉnh, thành phố thành lập và giao cho Liên minh HTX tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động và tổ chức cho vay với tổng số vốn hoạt động trên 2.000 tỷ đồng; vốn điều lệ được ngân sách địa phương cấp trên 1.000 tỷ đồng.
Việc thành lập Quỹ HTPT HTX hướng tới đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng lợi ích chính đáng của HTX và đông đảo thành viên, đặc biệt là phát triển kinh tế hộ trong lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn. Song, để nguồn quỹ này trở thành công cụ hiện thực hóa chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX thì cần một mô hình hoạt động phù hợp.
Thực tế tại các địa phương trong cả nước, nguồn quỹ này vẫn chủ yếu sống nhờ ngân sách, chưa thể huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để tăng khả năng tự lực vốn của các HTX. Do vậy, việc đa dạng hóa các nguồn vốn cho quỹ là phương án cần được tính tới, đặc biệt trong giai đoạn sắp tới dự báo tổng nhu cầu vốn tín dụng bình quân một năm của các HTX, tổ hợp tác khoảng 250 tỷ đồng. Đó là con số rất lớn nếu so với vốn điều lệ thành lập quỹ. Ngoài ra, việc giám sát hoạt động của quỹ cũng cần thường xuyên, bởi nói cho cùng đơn vị này là tổ chức tài chính, có hoạt động cho vay, do đó cũng sẽ gặp những rủi ro nhất định.
Bài, ảnh: Lê Thọ/ CTV Báo Thừa Thiên Huế