Tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Các địa phương khẩn trương rà soát lượng máy gặt hiện có và có phương án sắp xếp, bố trí máy gặt hợp lý để thu hoạch lúa. Có kế hoạch để chủ động huy động các lực lượng tại cơ sở (thanh niên xung kích, dân phòng, lực lượng quân đội, công an,.) sẵn sàng giúp người dân thu hoạch lúa kịp thời khi xảy ra thiên tai.
Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ, ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Tổ chức kiểm tra hệ thống kênh mương, gia cố đê bao nội đồng, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc để chủ động tiêu úng, xử lý kịp thời khi có mưa lớn xảy ra. Đối với vùng thấp, xung yếu, cần tôn bờ vùng; những vùng có bờ bao thấp cục bộ, cần tôn cao để ngăn lũ sớm.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập đường dây nóng và triển khai ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh về tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đường giao thông để có biện pháp xử lý; các thông tin phản ánh được chuyển trực tiếp cho Lãnh đạo UBND cấp huyện, xã để được xử lý kịp thời.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng để người dân biết và tự giác chấp hành. Thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đường giao thông gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ Hè Thu năm 2022 và tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết; thông báo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thu hoạch lúa kịp thời.