Điều 1. Tên gọi
1. Tên tiếng Việt: Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế
2. Tên tiếng Anh: Thua Thien Hue Cooperative Alliance
3. Tên viết tắt: TTHCA
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích
1. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế được Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức đại diện của các thành viên, bao gồm Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, Tổ hợp tác và các thành viên khác trên địa bàn tỉnh tự nguyện tham gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển và làm cầu nối giữa kinh tế tập thể, hợp tác xã với Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước.
Điều 3. Địa vị pháp lý, trụ sở
1. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, sử dụng thống nhất biểu tượng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; hoạt động theo pháp luật Việt Nam và Điều lệ này.
2. Trụ sở của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế đặt tại 16 Nguyễn lương Bằng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 4. Phạm vi hoạt động
1. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế có phạm vi hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, được gia nhập làm thành viên của các tổ chức theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động
1. Tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Điều lệ Liên minh Hợp tác xã tỉnh thống nhất với Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
2. Thuộc hệ thống tổ chức của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
3. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và quản lý thống nhất của Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định pháp luật.
4. Mối quan hệ giữa Liên minh Hợp tác xã tỉnh với các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh là mối quan hệ phối hợp.
5. Tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, thống nhất mục tiêu và hành động.
6. Hợp tác vì sự phát triển của cộng đồng, của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.