Trang chủ
Giới thiệu
Tin tức - Thông báo
Tin tức
Thông báo
Tư vấn hỗ trợ
Văn bản chỉ đạo của Tỉnh Thừa Thiên Huế
Tư liệu HTX
Văn bản kinh tế tập thể
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Truy cập hiện tại: 122
Tuần này: 4,318
Số lượt truy cập: 359,022

Hôm nay: 1,259
Hôm qua: 1,573
Tuần này: 4,318
Tuần trước: 10,984
Tháng 4: 39,382
Tháng 3: 15,645

Giải 'cơn khát' vốn cho hợp tác xã

Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN
Nhiều chính sách hỗ trợ về vốn thời gian qua đã góp phần thúc đẩy mô hình hợp tác xã kiểu mới áp dụng theo Luật Hợp tác xã năm 2012 phát huy hiệu quả cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số các hợp tác xã vẫn phải tự lực cánh sinh và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ. Điều này không những cản trở sự phát triển của hợp tác xã nói chung mà còn làm chậm quá trình đổi mới của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trước bối cảnh hội nhập. Chính vì vậy, để giúp các hợp tác xã giải cơn khát về vốn trong hoạt động, vẫn cần nhiều hơn nữa những giải pháp thiết thực.

Chật vật vì vốn

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng đến nay kinh tế tập thể nói chung cũng như hợp tác xã nói riêng vẫn chỉ dừng lại ở tình trạng sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn và công nghệ lạc hậu.

Cùng với đó là những khó khăn nội tại đeo bám dai dẳng khiến không ít hợp tác xã dù đã chuyển đổi thành công và hoạt động hiệu quả nhưng vẫn loay hoay với bài toán thiếu quỹ đất và nguồn vốn để mở rộng sản xuất, khó khăn trong việc liên kết, tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Được thành lập năm 2014, Hợp tác xã Dịch vụ môi trường Tân Phát tại thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có ngành nghề kinh doanh thu gom rác thải sinh hoạt. Hợp tác xã đã ký hợp đồng thu gom rác thải với hai xã Cường Gián và Xuân Liên, huyện Nghi Xuân trong 5 năm từ 2017-2020.

Ban đầu hợp tác xã chỉ có 8 thành viên nhưng nhờ phát huy sức mạnh tập thể đến đầu năm 2018 hợp tác xã đã đầu tư thêm 1 lò đốt và xử lý rác đồng thời được các cấp chính quyền hỗ trợ 2 tỷ đồng để xây dựng lò đốt, nhà phân loại và các công trình phụ trợ khác.

Bà Phan Thị Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ môi trường Tân Phát cho biết: Mặc dù các thành viên chung vốn hơn 300 triệu đồng cộng với 1,3 tỷ đồng được hỗ trợ vay từ Quỹ hỗ trợ liên minh Hợp tác xã để mua xe ép rác nhưng khi vận hành lại không có vốn lưu động nên đến nay hợp tác xã vẫn loay hoay trong tình thế giật gấu vá vai.

Bởi hàng tháng, tiền thu gom rác thường được các nơi thanh toán chậm nên những tháng đầu năm để vận hành và chi trả lương cho người lao động, hợp tác xã phải huy động từ các nguồn khác.

Khan vốn lưu động, bà Phan Thị Lý đã phải lặn lội về tận Nam Định thế chấp căn nhà của gia đình chồng vay ngân hàng với lãi cao để lấy tiền trang trải cũng như duy trì hoạt động của hợp tác xã.

Câu chuyện khó khăn về nguồn vốn cho hoạt động sản xuất cũng xảy ra với Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Nam Định). Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa Lê Văn Bản cho hay, bình quân từ lúc cá nhỏ đến khi thu hoạch hợp tác xã cần 4 đến 5 tấn cám/ngày. Tuy nhiên, do khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, hiện các hợp tác xã thiếu vốn đều phải dựa vào doanh nghiệp cung cấp hàng.

Theo ông Lê Văn Bản, trung bình một bao cám (30% đạm) có giá 350.000 đồng, nếu mua chịu thì hợp tác xã phải thêm cho mỗi bao 10.000 đồng cộng với lãi suất tuỳ từng thời điểm mà doanh nghiệp áp dụng. Điều này khiến gánh nặng chi phí càng thêm đè nặng lên các thành viên.

Vì thế, mong muốn duy nhất hiện nay của hợp tác xã là được tiếp cận vay vốn lưu động lãi suất thấp để yên tâm mở rộng sản xuất, thoát cảnh thấp thỏm đến ngày trả nợ lãi cao.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Công Bằng-Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lý giải: Hiện, cả nước có khoảng 20% các hợp tác xã có khả năng tự lực vốn; trong đó, chỉ khoảng 0,5% trong tổng số hơn 24.000 hợp tác xã có khả năng đủ điều kiện tiếp cận vốn từ những tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại.

Nguyên nhân là do các hợp tác xã không có tài sản thế chấp, cầm cố khi vay vốn. Một số hợp tác xã có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng không được ngân hàng cho vay vốn vì không bảo đảm tính pháp lý.

Thiếu tài sản bảo đảm, nhiều hợp tác xã cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã.

Hơn nữa, các ngân hàng vẫn mặc cảm với hợp tác xã kiểu cũ, chưa đi sâu tìm hiểu, đánh giá về hợp tác xã kiểu mới để thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định, e ngại cho vay món nhỏ với chi phí dịch vụ cao. Đây là nguyên nhân vì sao các hợp tác xã tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng rất ít và gặp nhiều khó khăn.

Nới rộng nút thắt

Hiện nay “bà đỡ” về nguồn vốn cho các hợp tác xã chủ yếu là Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và 55 Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trực thuộc Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh do ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ để hoạt động.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, dù rất nhiều hợp tác xã có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng quỹ gần như không đủ lực để cho vay mà chỉ đợi thu hồi gốc mới cho vay tiếp... do đó chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu.

Thống kê đến tháng 7/2020, tổng vốn hoạt động của Quỹ là 2.011 tỷ đồng, đã cho vay đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu vốn của hợp tác xã.

Cùng với đó, các quỹ hoạt động có điều kiện thuận lợi là bám sát và nắm chắc tình hình hoạt động của hợp tác xã, chi phí làm thủ tục và thẩm định hồ sơ vay vốn thấp, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời theo mùa vụ. Các quỹ kết hợp cho vay vốn với tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và cung ứng các dịch vụ để hợp tác xã sử dụng có hiệu quả vốn vay, bảo đảm khả năng thu hồi nợ cả gốc và lãi.

Dù vậy nhưng khó khăn hiện nay của các quỹ là vốn điều lệ ít, cơ chế hoạt động gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như với Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam), theo quy định tại Quyết định số 23 ngày 22/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì “Vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng”. Thế nhưng đến hết tháng 7/2020, quỹ mới được ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ 450 tỷ đồng. 

Ông Phạm Công Bằng cho hay, với số vốn điều lệ được cấp 450 tỷ đồng, quỹ đã sử dụng để cho vay các hợp tác xã với hiệu suất sử dụng vốn cao, đến hết 31/7 dư nợ đạt 361 tỷ đồng, chiếm 80,2% vốn điều lệ;  ước dư nợ đến 30/9 đạt 447 tỷ đồng, chiếm 99,3% vốn điều lệ.

Do đó, đến ngày 30/9 vốn điều lệ được cấp được sử dụng hết cho các hợp tác xã vay vốn theo mục tiêu hoạt động của quỹ. Nếu không được bổ sung vốn điều lệ thì kể từ sau ngày này hàng trăm dự án đầu tư của các hợp tác xã đủ điều kiện cho vay nhưng sẽ không có nguồn để đáp ứng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định: Liên minh Hợp tác xã đã đề xuất Chính phủ bổ sung vốn theo lộ trình cũng như đề ra phương án làm sao sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Theo đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã sẽ phát huy hết vai trò là kênh hỗ trợ cho các hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm tình trạng vay nặng lãi tạo nền tảng, mở rộng đối tượng vay và đáp ứng nhu cầu vốn lớn của hợp tác xã ngay cả ngắn hạn và trung hạn để khu vực hợp tác xã phát triển mạnh và bền vững.

Link bài gốc: https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-con-khat-von-cho-hop-tac-xa-20201101095900260.htm

Nguyễn Như Thi
Ngày 26/11/2020
BÁO CÁO TÀI CHÍNH CƠ QUAN

Video tổng hợp
LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Địa chỉ: 16 Nguyễn Lương Bằng.TP Huế; Tel:0234.3833105;Fax: 0234.3833105
Sở Thông tin & Truyền thông Tỉnh cấp giấy phép số: 03/GT-TTĐT cấp ngày 18/8/2014
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Lưu Quốc Doãn - Chủ tịch Liên minh Tỉnh.
Design by HueTechCo-op