Trang chủ
Giới thiệu
Tin tức - Thông báo
Tin tức
Thông báo
Tư vấn hỗ trợ
Văn bản chỉ đạo của Tỉnh Thừa Thiên Huế
Tư liệu HTX
Văn bản kinh tế tập thể
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Truy cập hiện tại: 77
Tuần này: 4,273
Số lượt truy cập: 358,977

Hôm nay: 1,214
Hôm qua: 1,573
Tuần này: 4,273
Tuần trước: 10,984
Tháng 4: 39,337
Tháng 3: 15,645

Gỡ đầu ra cho gỗ rừng trồng

Gỗ rừng trồng ở TT Huế đã thu hoạch khó tiêu thụ
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, sản phẩm gỗ rừng trồng (GRT) không thể xuất khẩu. Ngoài vận động người dân tạm dừng khai thác, chờ “cơ hội” tốt mới thu hoạch, cần tăng cường xúc tiến việc chuyển sang trồng rừng gỗ lớn để có đầu ra bền vững.

 Thiệt hại “kép”

Ông Nguyễn Sơn ở Xã Bình Thành (TX. Hương Trà) thu hoạch xong 2 ha gỗ trồng cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 “rộ lên”. Thương lái, cơ sở kinh doanh dừng thu mua vì GRT cũng như các sản phẩm từ GRT không thể xuất khẩu. Khoảng 200 tấn gỗ keo lai của ông Sơn cùng hàng ngàn tấn GRT của người dân Bình Thành nằm chờ.

Chỉ tính riêng tại Xã Bình Thành, có hơn 2.000 ha rừng trồng của trên 500 hộ dân trên địa bàn xã và gần 1.500 ha của các tổ chức, doanh nghiệp.

3.500 ha rừng trồng sản xuất tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn một nửa (khoảng 550 hộ) số hộ dân tại địa phương. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 350-400 ngàn đồng/ngày từ khai thác, vận chuyển GRT. Nhiều hộ dân mất thu nhập do GRT không thể tiêu thụ.

Trên địa bàn Xã Bình Thành còn có 8-10 chủ hộ chuyên làm dịch vụ vận chuyển GRT sau khai thác. Từ khi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp không thu mua sản phẩm, người dân dừng khai thác gỗ khiến dịch vụ vận chuyển cũng “án binh bất động”. Một chủ hộ vận chuyển GRT ở Bình Thành tiết lộ, bình quân mỗi ngày thu nhập 500 nghìn -1 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động (tài xế). Gần hai tháng nay, các tài xế không có việc.

Phó Chủ tịch UBND Xã Bình Thành, ông Nguyễn Trung Nhân thông tin, từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp như Phúc Đạt, Ngọc Quý, Phát Huy và trạm thu mua trên địa bàn dừng hoạt động. Tính đến thời điểm này, chính quyền địa phương chưa nhận được thông tin yêu cầu nào từ người dân về những khó khăn như thiếu lương thực, thực phẩm…Tuy nhiên, theo dự tính, nếu dịch bệnh kéo dài một vài tháng nữa, đời sống của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ở các địa phương khác, nhiều diện tích GRT đến kỳ thu hoạch cũng không thể khai thác vì không có người mua. Việc kéo dài thời gian thu hoạch khiến người dân khó khăn trong trong quá trình tái đầu tư sản xuất vụ mới. Các hộ thường thu hoạch GRT chu kỳ trước mới có điều kiện kinh phí mua giống, phân, thuê nhân công trồng, chăm sóc.

Chuyển sang trồng rừng gỗ lớn

Hầu hết các công ty chế biến gỗ, sản phẩm GRT xuất khẩu đều chia sẻ, từ hai tháng nay, sản phẩm hầu như bị “đóng băng”. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty cầm chừng, chủ yếu duy trì công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp tạm thời không thu mua sản phẩm GRT của người dân.

Ông Lê Dương Huy, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ tỉnh cho rằng, GRT thu mua đến đâu chế biến sản phẩm đến đó; một phần do thiếu mặt bằng, hơn nữa GRT nếu dự trữ để quá thời hạn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không đảm bảo điều kiện chế biến xuất khẩu.

Việc đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn (RGL) là một trong những giải pháp an toàn, có lợi cho người dân. Trồng RGL không chỉ thu nhập cao gấp 2-3 lần so với rừng gỗ nhỏ mà còn thuận lợi đầu ra, giá sản phẩm ổn định. Khó khăn của xã Bình Thành và nhiều địa phương hiện nay là việc chậm đăng ký, tham gia trồng rừng gỗ lớn (RGL).

Đến nay, riêng toàn xã Bình Thành mới chỉ có 130 ha RGL; trong khi toàn tỉnh có khoảng 13 ngàn ha RGL, trong đó rừng có chứng chỉ FSC chiếm khoảng 40% là con số còn hạn chế.

Ông Nguyễn Trung Nhân cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, không còn cách nào khác ngoài tuyên truyền, vận động người dân tạm dừng khai thác GRT, chờ “cơ hội” tốt mới thu hoạch, bán. Đây cũng là cơ hội để chính quyền địa phương vận động người dân đăng ký, tham gia RGL. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch làm việc với các cơ quan, ban ngành chức năng hỗ trợ các thủ tục, xúc tiến cho người dân đăng ký chuyển sang trồng RGL.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Công ty Scansia Pacific khẳng định: Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm bán 15-20%. Trong trường hợp gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh thì người trồng rừng cũng không quá lo lắng vì công ty cam kết thu mua cả sản phẩm gãy đổ mà không ép giá.

Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh (TTH FOSDA) chia sẻ, TTH FOSDA luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, địa phương liên quan đến trồng RGL để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. TTH FOSDA tích cực tìm kiếm, kêu gọi, kết nối với doanh nghiệp cũng như các dự án trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình trồng, chăm sóc, chi phí đánh giá chứng chỉ rừng FSC và bao tiêu sản phẩm...

Tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ đối với hộ dân tham gia trồng RGL. Với diện tích rừng tối thiểu 2 ha RGL, trồng cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng được hỗ trợ 50% giá cây giống, tối đa không quá 4 triệu đồng/ha và 50 triệu đồng/dự án. Những hộ chủ rừng không có điều kiện kinh tế để duy trì diện tích rừng trong 7-8 năm để tham gia chứng chỉ FSC sẽ được Công ty Scansia Pacific tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng/ha/3 năm với lãi suất ưu đãi, thấp hơn các ngân hàng thương mại 2%/năm.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ADMIN
Ngày 27/05/2020
BÁO CÁO TÀI CHÍNH CƠ QUAN

Video tổng hợp
LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Địa chỉ: 16 Nguyễn Lương Bằng.TP Huế; Tel:0234.3833105;Fax: 0234.3833105
Sở Thông tin & Truyền thông Tỉnh cấp giấy phép số: 03/GT-TTĐT cấp ngày 18/8/2014
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Lưu Quốc Doãn - Chủ tịch Liên minh Tỉnh.
Design by HueTechCo-op